Trang chủ » Dịch vụ pháp lý » Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

Các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 gồm có: Bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Thực tiễn áp dụng và căn cứ vào yêu cầu cải cách tư pháp cho thấy, cần phải đổi mới và hoàn thiện một số biện pháp ngăn chặn sau đây:

1. Về biện pháp tạm giam
Thực tiễn áp dụng quy định về biện pháp tạm giam của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã phát huy tác dụng, hạn chế việc tạm giam; tuy vậy vẫn còn nảy sinh những tồn tại, vướng mắc là đối với các đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng, sống lang thang, không nơi cư trú, người chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do luật không quy định tạm giam họ, dẫn đến bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không xác định được họ ở đâu, gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Kết quả hình ảnh cho Bắt giam, tạm giam, nhà giam
 Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ cần đổi mới biện pháp tạm giam, với ba nội dung quan trọng là “xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam”. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhiều nước trên thế giới.
- Về việc xác định căn cứ tạm giam, trong thực tiễn còn có nhiều ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần phải coi khả năng bị can, bị cáo có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội là căn cứ chủ yếu để xem xét, quyết định việc tạm giam. Ngoài ra, cũng cần xem xét đến một số yếu tố khác để áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp ngăn chặn này như: Khả năng bị can, bị cáo gây nguy hại đến an ninh quốc gia hoặc trật tự an toàn xã hội nếu không tạm giam họ; loại và mức hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi phạm tội được thực hiện; về nhân thân như lai lịch, tuổi, tình trạng sức khoẻ, tình trạng tài sản; bị can, bị cáo là người già yếu, phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Từ những phân tích đó, những người theo loại ý kiến này đề xuất quy định căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam vẫn chủ yếu dựa vào sự phân loại tội phạm, có kết hợp với các yếu tố mà Bộ luật hiện hành quy định như: Có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội; phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc là đối tượng đặc biệt nguy hiểm đối với an ninh quốc gia hoặc trật tự an toàn xã hội.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không nên dựa trên cách phân loại tội phạm của Bộ luật Hình sự để quy định điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam. Về nguyên tắc, người phạm tội đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự đều có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam. Để hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam cần quy định chặt chẽ hơn các căn cứ để tạm giam. Chỉ quyết định tạm giam trong trường hợp có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo có thể trốn hoặc sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam. Theo đó, cần quy định tạm giam theo hướng: Tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm vào tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù và có căn cứ nếu không tạm giam, bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, việc tạm giam bị can, bị cáo để ngăn chặn sự thông cung giữa bị can với những người đồng phạm; để bảo vệ đương sự, chấm dứt việc phạm tội, ngăn ngừa tái phạm, bảo đảm sự giám sát của Toà án đối với đương sự hoặc để giữ gìn trật tự xã hội. Cũng có thể ra lệnh tạm giam khi bị can cố tình trốn tránh những nghĩa vụ liên quan đến việc áp dụng các biện pháp giám sát tư pháp. Về căn cứ tạm giam: Thứ nhất, có nước chỉ xem xét tạm giam đối với trọng tội hoặc đối với tội nghiêm trọng; có quốc gia khác quy định tạm giam đối với tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và nhóm thứ ba không chia loại tội nhưng liệt kê danh mục tội phạm cụ thể cần tạm giam. Thứ hai, quy định về mức hình phạt để áp dụng tạm giam đối với tội ít nghiêm trọng có nước là một năm tù, nước khác là hai năm tù. Ngoài ra trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng thì căn cứ tạm giam còn dựa vào từng trường hợp phạm tội cụ thể như phạm tội quả tang hoặc không quả tang. Thứ ba, cách thức quy định căn cứ khác về tạm giam có sự thể hiện khác nhau; có nước quy định không có chỗ ở cố định, nước khác thì quy định việc bảo vệ chứng cứ, ngăn ngừa tiếp tục phạm tội lại được coi là căn cứ quan trọng.
Như vậy, đa số các nước quy định căn cứ để tạm giam đều dựa trên việc xem xét loại tội phạm, khung hình phạt và các điều kiện khác về nhân thân, thái độ bị can, bị cáo cũng như yêu cầu cần thiết của việc xử lý tội phạm đó; việc quy định các đối tượng hạn chế tạm giam còn phụ thuộc vào chính sách hình sự và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia (Việt Nam, Liên bang Nga hạn chế tạm giam đối với người chưa thành niên, một số nước quy định cho Thẩm phán có quyền độc lập trong việc quyết định tạm giam đối với từng trường hợp phạm tội).
Kết quả hình ảnh cho Bắt giam, tạm giam, nhà giam
Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về đổi mới áp dụng biện pháp tạm giam, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, tiếp thu những hạt nhân hợp lý trong các loại ý kiến, tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, có thể thấy rằng: Khi quy định căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam cần kết hợp giữa việc căn cứ vào sự phân loại tội phạm và các yếu tố khác về nhân thân người phạm tội, chính sách hình sự và yêu cầu khám phá, giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời. Theo đó, quy định tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm vào tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, thì chỉ áp dụng tạm giam trong trường hợp Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù và có căn cứ nếu không tạm giam, bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
- Về vấn đề hạn chế việc tạm giam đối với một số loại tội phạm: Có ý kiến cho rằng, do Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành chỉ mới hạn chế tạm giam đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng; không quy định đối với những nhóm tội phạm nào thì có thể hạn chế việc tạm giam. Theo ý kiến này, có thể hạn chế việc tạm giam theo hướng: những bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc quy định hình phạt tù lựa chọn với các loại hình phạt khác, thì không tạm giam.
ý kiến khác cho rằng, thực tế có những trường hợp bị can, bị cáo phạm tội thuộc nhóm tội phạm về kinh tế - chức vụ, tội phạm về giao thông hoặc các tội do vô ý mà họ có nơi cư trú rõ ràng, họ không trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội, thì không cần phải tạm giam để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó, hạn chế việc tạm giam đối với một số loại tội phạm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần hạn chế việc tạm giam đối với những loại tội phạm cụ thể nào và trong những trường hợp nào. Trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, những người có cùng nhận thức với ý kiến này đề nghị có thể hạn chế tạm giam đối với một số loại tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tội phạm về môi trường; một số tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu (trừ các tội: cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp…); một số tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính; một số tội phạm thuộc nhóm tội phạm về chức vụ và nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Từ việc xác định đối tượng và điều kiện tạm giam như đã nêu trên, kết hợp với sự phân tích tính hợp lý trong các ý kiến, theo ý kiến của chúng tôi, có thể hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm mà nếu bị can, bị cáo ở ngoài xã hội không bỏ trốn, không có điều kiện cản trở hoạt động điều tra, tiếp tục phạm tội. Đó là các tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền là chủ yếu, các tội phạm do vô ý và một số tội phạm khác thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính, nhóm tội phạm về môi trường; một số tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, một số tội phạm thuộc nhóm tội phạm về chức vụ và nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
- Về việc thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam: Tại Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 có quy định: “Mọi người có quyền được bảo đảm tự do và an ninh cá nhân. Việc bắt, giam giữ, xét xử một người phải do cơ quan pháp luật có thẩm quyền tiến hành theo đúng các thủ tục luật định; không ai bị bắt và giam giữ vô cớ”. Phù hợp với tư tưởng nhân văn tiến bộ đó, Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định: “Không ai có thể bị bắt nếu không có quyết định của Toà án , quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát”. Nghiên cứu quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt giam trong Luật tố tụng hình sự các nước cho thấy, không có quốc gia nào giao cho Cảnh sát thẩm quyền bắt giam người. Tại các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… thì Toà án là cơ quan duy nhất được trao quyền quyết định việc tạm giam người bị tình nghi phạm tội trên cơ sở hồ sơ, tài liệu của Cảnh sát và đề nghị bằng văn bản của Cơ quan công tố. Việc xem xét, quyết định tạm giam thường do một Thẩm phán đảm nhiệm. Một số nước giao cho Viện công tố quyết định việc tạm giam nhưng phải được sự đồng ý của Toà án hoặc sau khi quyết định phải thông báo cho Toà án biết.
Truyền thống pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay cho thấy: Việc ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo không chỉ do Toà án, mà Cơ quan điều tra, Cơ quan công tố cũng được trao thẩm quyền này. Luật số 103-SL.005 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về “đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân” quy định: Cơ quan tư pháp, Công an từ cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên hoặc Toà án binh có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với người bị nghi thực hiện tội phạm. Quy định này được hoàn thiện trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988; đến Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì có 9 loại đối tượng người có quyền ra lệnh tạm giam, gồm: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử của Toà án các cấp; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (lệnh tạm giam phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành). Như vậy là có quá nhiều người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam và quyết định áp dụng biện pháp tạm giam.
Kết quả hình ảnh cho Bắt giam, tạm giam, nhà giam

Thực hiện chủ trương “thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam” theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đa số các ý kiến đều tán thành phải hạn chế người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam và quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, nhưng hạn chế người nào thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị, nên giao cho Toà án mà cụ thể là Thẩm phán có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam cả trong giai đoạn điều tra, truy tố (Thẩm phán này không được tham gia xét xử vụ án đó) theo đề nghị của Viện kiểm sát như quy định của một số nước. Có ý kiến khác lại cho rằng, nên giao cho Viện kiểm sát (Viện trưởng, Phó Viện trưởng) quyết định áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố và giao cho Toà án quyết định áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử (Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán được phân công Chủ toạ phiên toà, Hội đồng xét xử).
Căn cứ vào mô hình cũng như truyền thống pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, theo ý kiến của chúng tôi không nhất thiết chỉ giao cho Toà án là cơ quan duy nhất có quyền quyết định việc tạm giam bị can, bị cáo. Để bảo đảm kịp thời phúc đáp yêu cầu điều tra, truy tố và hạn chế định kiến chủ quan vì Toà án là người nhân danh công lý phán quyết một người có tội hay không có tội và quyết định hình phạt đối với bị cáo, đồng thời để đơn giản bớt các thủ tục, tiết kiệm chi phí tố tụng, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra do Viện kiểm sát hoặc do Toà án quyết định. Chỉ nên giới hạn đối tượng có thẩm quyền quyết định việc tạm giam theo hướng giao cho Viện kiểm sát quyết định áp dụng tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố và Toà án trong giai đoạn xét xử. Cụ thể là bỏ quyền ra lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan điều tra, nếu thấy đủ căn cứ thì Viện kiểm sát trực tiếp ra quyết định tạm giam, bỏ thủ tục phê chuẩn. Đồng thời cũng là để tăng quyền cho Thẩm phán, cần bỏ quyền ra lệnh tạm giam của Chánh án, Phó Chánh án Toà án, của Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà chỉ giao thẩm quyền này cho Thẩm phán được phân công Chủ toạ phiên toà.
Trên tinh thần đó, cần hạn chế đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc tạm giam từ 9 loại đối tượng xuống còn 4 đối tượng người sau:
Người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam và quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, gồm: Trong giai đoạn điều tra, truy tố, thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tự mình hoặc trên cơ sở đề nghị của Cơ quan điều tra cùng cấp có quyền ra lệnh tạm giam. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Thẩm phán được phân công Chủ toạ phiên toà có quyền ra lệnh tạm giam. Thẩm quyền ra lệnh tạm giam bị cáo tại phiên toà do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Cùng với việc hạn chế tạm giam, cần mở rộng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thay thế cho biện pháp tạm giam như bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm. Theo đó, phải sửa đổi quy định những điều kiện chặt chẽ nhằm bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả các biện pháp ngăn chặn này trong việc ngăn ngừa bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc gây cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội.
Kết quả hình ảnh cho Bắt giam, tạm giam, nhà giam

2. Về biện pháp bảo lĩnh
Tại Điều 92, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam...”. Thực tế áp dụng biện pháp bảo lĩnh đã nảy sinh tồn tại như sau: Do luật không quy định người bảo lĩnh phải đặt tiền, không quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ cam đoan, nên không phát huy được hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này. Nhiều trường hợp người nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án nhưng chưa có biện pháp xử lý trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh. Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cá nhân nhận bảo lĩnh phải đặt tiền và số tiền phải có giá trị ít nhất bằng 10 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm bảo lĩnh. Đồng thời, quy định người bảo lĩnh phải ở cùng địa phương với bị can, bị cáo được bảo lĩnh để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý bị can, bị cáo. Quy định căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo loại tội phạm, nhân thân người phạm tội và ý chí của người bị áp dụng (có sự đồng ý của bị can, bị cáo) để họ ý thức được nghĩa vụ của mình. Quy định chặt chẽ nghĩa vụ của bị can, bị cáo khi được bảo lĩnh. Cơ quan tiến hành tố tụng cho áp dụng biện pháp bảo lĩnh phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của người nhận bảo lĩnh để phối hợp quản lý, giám sát.
Nghiên cứu biện pháp bảo lĩnh trong Luật tố tụng hình sự một số nước thấy rằng: Biện pháp bảo lĩnh chỉ áp dụng đối với cá nhân, để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng đúng thời gian quy định và không cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án. Người nhận bảo lĩnh phải đặt một khoản tiền; nếu vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì số tiền đã đặt bị sung công quỹ Nhà nước, người nhận bảo lĩnh có thể còn bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, tiếp thu kinh nghiệm các nước, đề nghị cần sửa đổi Điều 92 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, về biện pháp bảo lĩnh theo hướng:
- Quy định bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay cho việc áp dụng biện pháp tạm giam, do vậy đối tượng áp dụng biện pháp này là bị can đang bị tạm giữ, tạm giam, bị cáo đang bị tạm giam hoặc bị can, bị cáo xét thấy không cần thiết phải tạm giam.
- Quy định rõ căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp bảo lĩnh: Quy định người bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải đặt một khoản tiền; bảo lĩnh phải bằng tiền hoặc giấy tờ bảo đảm có giá trị thanh toán bằng tiền (không quy định bảo lĩnh bằng tín chấp hoặc bằng đồ vật). Có đơn xin bảo lĩnh của người nhận bảo lĩnh, có sự đồng ý của người được bảo lĩnh là bị can, bị cáo. Người nhận bảo lĩnh là người thân thích của bị can, bị cáo, Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo.
- Quy định điều kiện đối với người nhận bảo lĩnh: Là cá nhân có phẩm chất chính trị tốt, không liên quan đến vụ án; có khả năng thực hiện những trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh; có thu nhập ổn định và cư trú cùng địa phương với bị can, bị cáo được bảo lĩnh để bảo đảm giám sát.
- Quy định trách nhiệm người nhận bảo lĩnh trong việc thực hiện các nghĩa vụ cam đoan: Bảo đảm chắc chắn là người được bảo lĩnh tuân thủ những quy định; báo cáo ngay đến cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện thấy người được bảo lĩnh có thể thực hiện hoặc đã thực hiện những hành vi vi phạm. Nếu người nhận bảo lĩnh vi phạm các nghĩa vụ đã cam đoan để người được bảo lĩnh thực hiện hành vi vi phạm các quy định pháp luật thì họ bị phạt tiền và số tiền bảo lĩnh bị sung quỹ Nhà nước. Nếu hành vi cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Quy định trách nhiệm người được bảo lĩnh: Bị can, bị cáo phải có mặt đúng thời gian, địa điểm triệu tập; không vi phạm hoạt động tố tụng; không can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào với nhân chứng khi họ khai báo; không được tiêu huỷ hoặc làm sai lệnh chứng cứ hoặc thông cung hoặc thực hiện các hành vi khác gây cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
- Quy định hạn chế bảo lĩnh: Không áp dụng bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo đã có tiền án lại phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về hành vi này, tội xâm phạm an ninh quốc gia, trừ trường hợp phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người già, bệnh nặng, người chưa thành niên.
Kết quả hình ảnh cho Bắt giam, tạm giam, nhà giam

3. Về biện pháp đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm
Tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Tuy nhiên, việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm dựa trên tiêu chí nào và tiến hành theo trình tự, thủ tục như thế nào? Những loại tội nào thì có thể được đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm? Mức tiền hoặc tài sản có giá trị là bao nhiêu để có thể áp dụng biện pháp này thì Luật lại chưa có quy định cụ thể, dẫn đến biện pháp ngăn chặn này chưa phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 gần 5 năm qua cho thấy, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm rất ít được áp dụng. Nguyên nhân là do chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, nên nhận thức về biện pháp ngăn chặn này giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất. Để quy định này đi vào thực tiễn, đề nghị trong Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi lần này cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, mức tiền hoặc giá trị tài sản để bảo đảm; quy định đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo phải do chính bị can, bị cáo thực hiện.
Nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật của một số nước điển hình cho thấy, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay cho biện pháp tạm giam có nhiều điểm tương đồng với Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta. Tuy nhiên, giới hạn của việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm chỉ đối với một số loại tội, với khung hình phạt nhất định, chứ không áp dụng biện pháp này đối với tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc trật tự an toàn xã hội.
Để khắc phục những vướng mắc của luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm các nước, bảo đảm thực tiễn áp dụng được thuận lợi, phát huy hiệu lực, hiệu quả biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, đề nghị cần sửa đổi Điều 93 theo hướng:
- Để thuận lợi cho việc áp dụng, tránh gây phiền hà cho quá trình bảo quản và xử lý tài sản, quy định rõ đối tượng cho đặt tiền để thay cho tạm giam là bị can, bị cáo; quy định đặt tiền hoặc giấy tờ có giá trị để bảo đảm, bỏ quy định đặt tài sản (đồ vật); đồng thời quy định trình tự, thủ tục đặt tiền ngay trong Bộ luật như bị can, bị cáo phải có đơn đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét; việc giao nhận tiền đặt phải được lập biên bản và bản sao biên bản phải được giao cho người đặt tiền hoặc giấy tờ có giá trị để bảo đảm; quy định mức tiền phải đặt do cơ quan có quyền áp dụng (Viện kiểm sát, Toà án) quyết định trên cơ sở cân nhắc tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả gây thiệt hại, tình trạng tài sản của bị can, bị cáo và việc bảo đảm thi hành án, nhưng không được vượt quá khả năng tài chính của người đặt tiền.
- Để ngăn chặn các tội phạm nguy hiểm, cần quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm gồm: Các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ… (trừ loại tội do lỗi vô ý); các đối tượng phạm các tội vừa xâm phạm quyền sở hữu vừa xâm phạm trật tự trị an xã hội như trộm cắp, cướp, cướp giật; bị can, bị cáo phạm tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân, tử hình; về nhân thân không áp dụng đối với người tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất côn đồ, có tính chuyên nghiệp, không nơi cư trú rõ ràng…
- Quy định rõ chế tài xử lý đối với người đặt tiền khi họ vi phạm nghĩa vụ cam đoan và việc hoàn lại số tiền đã đặt: Trong trường hợp bị can, bị cáo không thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan liên quan đến việc được đặt tiền để đảm bảo như không có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, thì số tiền đã đặt bị sung công quỹ Nhà nước theo quyết định của Toà án. Khi Toà án ra bản án hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án thì Toà án quyết định việc trả lại tiền hoặc giấy tờ có giá trị để bảo đảm đã đặt cho người đặt tiền. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì việc trả lại tiền cho người đã đặt phải nêu trong quyết định đình chỉ.
- Quy định rõ thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm gồm: Viện kiểm sát quyết định cho bị can đặt tiền trong giai đoạn điều tra, truy tố; Toà án quyết định cho bị can, bị cáo đặt tiền trong giai đoạn xét xử.
Kết quả hình ảnh cho Bắt giam, tạm giam, nhà giam
4. Về biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
Tại Điều 91 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”, nhưng thực tiễn áp dụng biện pháp này hiệu quả thấp. Nhiều trường hợp chính quyền cơ sở không theo dõi, quản lý chặt chẽ nên để xảy ra việc bị can, bị cáo trốn, gây khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, theo dõi bị can, bị cáo tại ngoại không rõ ràng, khi vi phạm thì khó có thể truy cứu trách nhiệm, làm hạn chế tính khả thi của biện pháp ngăn chặn này. Thời hạn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là rất rộng thường được áp dụng khi khởi tố bị can cho đến khi chuyển hồ sơ sang Toà án, không quy định thời hạn cụ thể, do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng không quan tâm. Điều luật quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đều có quyền huỷ bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng rất ít trường hợp thực hiện. Một lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú có khi được sử dụng suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thậm chí có trường hợp lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn tồn tại đến khi bị án chấp hành xong hình phạt. Chỉ đến khi bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập hoặc khiếu nại thì biện pháp này mới được quan tâm. Bị can, bị cáo do chỉ làm giấy cam đoan, nhưng không có quy định ràng buộc kèm theo nên không nâng cao trách nhiệm của họ trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam đoan.
Từ những hạn chế đó, có ý kiến đề nghị, nên bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, vì thực tiễn áp dụng không hiệu quả, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay thì việc quản lý các đối tượng không thực hiện được, gây khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Có ý kiến khác lại cho rằng, nên tiếp tục duy trì biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú vì nếu không tạm giam mà chỉ áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, thì sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, không công bằng trong thực thi chính sách hình sự. Vấn đề đặt ra là cần quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng để phát huy hiệu lực biện pháp này trên thực tiễn. 
Theo: Ts Lê Thị Tuyết Hoa / VKSNDTC