Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Hàng loạt giám đốc ở Nghệ An bị tạm hoãn xuất cảnh: Quy định ra sao?

Liên quan đến vụ Cục Thuế Nghệ An ký các thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho việc này là đúng pháp luật.

Hàng loạt giám đốc ở Nghệ An bị tạm hoãn xuất cảnh: Quy định ra sao? - Ảnh 1.

Cục Thuế Nghệ An vừa ký các thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Báo Nghệ An.

Bởi, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.
 

Còn theo khoản 7 điều 124 Luật quản lý thuế 2019 quy định, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Theo ông Cường, người đại diện theo pháp luật là người quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp và phải có mặt ở Việt Nam hoặc ủy quyền cho người khác khi xuất cảnh.

Trong trường hợp doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, việc xuất cảnh của họ có ảnh hưởng  đến lợi ích của Nhà nước nên nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu ngân sách thì quy định như vậy là cần thiết và đúng pháp luật.

Ngoài ra, vị chuyên gia thông tin, theo quy định tại điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh thuộc về thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.

Theo đó, người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Như vậy, theo quy định, cơ quan có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để lựa chọn có áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không và thông báo đến người nộp thuế. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, các trường hợp trên sẽ được xuất cảnh trở lại.
Nguồn: Báo Dân Việt

Xem thêm

Hiệu trưởng vi phạm quy tắc ứng xử, "phụ huynh ép quỳ gối" có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm?