Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Hành vi phạm tội của 'siêu lừa' Tina Dương dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý

Hành vi phạm tội của 'siêu lừa' Tina Dương dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý

Vụ án này là bài học cho những ai lười lao động, không muốn lao động nhưng lại muốn hưởng thành quả của người khác...

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Ninh Thị Vân Anh (tức Tina Dương, 28 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Giang) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Theo kết luận điều tra, ngày 24/1/2022, Ninh Thị Vân Anh gọi điện cho Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Gia Đình Việt (Công ty Gia Đình Việt, trụ sở TP.HCM) thuê ô tô tự lái và yêu cầu giao tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, thời gian thuê 3 tháng với giá 45 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, Vân Anh không trả xe mà cố tình trốn tránh. Tới đầu tháng 5/2022, cô gái này lái xe ra Ninh Bình và rủ một người bạn mở cửa hàng bán trái cây. Thời điểm này, Vân Anh mua trả góp 2 sim điện thoại số đẹp của một người ở tỉnh Hải Dương với giá 500 triệu đồng.

Để có tiền đầu tư bán trái cây và trả góp sim điện thoại, Vân Anh bán ô tô biển số 51H cho anh H. (ngụ TP Hà Nội) với giá 450 triệu đồng và đã nhận 390 triệu đồng.

Sau đó, Vân Anh về TP.HCM, lên mạng đặt làm giấy đăng ký xe giả với giá 5 triệu đồng rồi đem giao anh H. tạo lòng tin, đang chờ người thân đi công tác về làm thủ tục sang tên đổi chủ vào ngày 20/6 và nhận nốt tiền.

Đến tháng 7/2022, do thiếu nợ nhiều người, Vân Anh rời khỏi Ninh Bình về lại TP.HCM và đến TP Phan Thiết sinh sống.

Sau khi nhận nhiều đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận vào cuộc xác minh. Ngày 13/10/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Ninh Thị Vân Anh về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Đến ngày 16/11/2022, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Thị Vân Anh về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Về phần dân sự, Ninh Thị Vân Anh đã trả 300 triệu đồng cho Công ty Gia Đình Việt và trả cho anh H. 360 triệu đồng. Hiện cả hai bị hại trong vụ án đã làm đơn giảm nhẹ hình phạt cho Ninh Thị Vân Anh.

Tina Dương, cô gái "thao túng tâm lý": Phạm một tội hay phạm nhiều tội là vấn đề cần làm rõ ? - Ảnh 1.

Tina Dương tại cơ quan công an

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi) nhận định, đây là một vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều giao dịch dân sự trước đó. Trong vụ án này có cả những yếu tố gian dối, bỏ trốn, chiếm đoạt nên việc xác định bị can phạm tội gì, xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc như: Ai là người bị hại (bị hại trong vụ án này là người cho thuê xe ô tô hay người mua xe ô tô); Mục đích chiếm đoạt tài sản là xe ô tô hay số tiền bán xe?

Trên thực tế, ở vụ án này chỉ có thể là chiếm đoạt xe ô tô hoặc chiếm đoạt số tiền bán xe chứ không thể xác định là chiếm đoạt cả xe ô tô và cả tiền bán xe (hai lần chiếm đoạt). Nói cách khác, chỉ có một người bị hại (người mua xe hoặc chủ sở hữu chiếc xe ô tô) chứ không thể xác định cả hai đều là người bị hại. Ngoài ra, ai là người tố cáo cũng là vấn đề có thể quyết định đến hướng điều tra, xác định tội danh của bị can trong vụ án này.

Theo kết quả điều tra, bị can đã thuê xe, nhận xe ô tô từ hợp đồng thuê hợp pháp nhưng khi đến hạn trả xe thì không trả mà lại bỏ trốn nhằm chiếm đoạt nên hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Hợp đồng thuê xe và lời khai của các bên là tài liệu để chứng minh việc bị cáo nhận xe trên cơ sở giao dịch dân sự hợp pháp, tự nguyện.
 

Tuy nhiên, đối với dấu hiệu thứ hai là bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra phải thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh vấn đề này. Hành vi chiếm đoạt có thể được thể hiện thông qua việc bị can không những không trả lại tài sản mà còn mang xe đi bán cho người khác. Trong trường hợp thu thập được các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can này về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và xác định người bị hại là người gửi cho thuê xe.

Điều đáng chú ý trong vụ án này là có mối quan hệ 3 bên, thông qua hai giao dịch là hợp đồng thuê xe và hợp đồng mua bán xe. Ở đây, cần xác định người cho thuê xe là người bị hại (bị mất xe) hay người mua xe ô tô là người bị hại (do bị lừa mất tiền). Đây là vấn đề lý luận cần phải làm rõ để xác định đúng tội danh và xác định chính xác người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

Khi xử lý bị can về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt chiếc xe là thỏa mãn dấu hiệu của tội danh trên. Còn việc đối tượng mang xe đi bán là một mối quan hệ pháp luật khác. Khi đó, hợp đồng mua bán xe sẽ được xác định là vô hiệu do lừa dối, người mua xe trong trường hợp này sẽ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Lúc này, họ có nghĩa vụ phải trao trả lại chiếc xe ô tô cho chủ sở hữu và được nhận lại số tiền mà bị can đang giữ từ giao dịch mua bán xe (hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường). Trong trường hợp chiếc xe ô tô được xác định là vật chứng của vụ án thì sẽ bị thu giữ để trả lại cho chủ sở hữu.

Tina Dương, cô gái "thao túng tâm lý": Phạm một tội hay phạm nhiều tội là vấn đề cần làm rõ ? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi) chia sẻ với phóng viên

Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, thực tiễn có những vụ việc sau khi hết hạn hợp đồng thuê xe người thuê xe không trả lại xe nhưng vẫn trả tiền thuê và hai bên vẫn liên lạc được với nhau thì đó là quan hệ dân sự. Khi người thuê xe làm giả giấy tờ tài liệu là giấy đăng ký xe và các giấy tờ có liên quan để chứng minh mình là chủ sở hữu, lừa dối người khác để bán chiếc xe đó thì đây mới là hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy, cần phải xác định bị can gian dối với người cho thuê xe hay gian dối với người mua xe; bị can có ý định chiếm đoạt chiếc xe hay có ý định chiếm đoạt số tiền mua xe; người cho thuê xe tố cáo hay người mua xe tố cáo... là những vấn đề quan trọng để xác định xử lý bị can về một tội là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hay về hai tội danh là "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức".

Đối với hành vi thuê người làm giả đăng ký xe để bán chiếc xe đó thì đối tượng này có hai hành vi vi phạm pháp luật là hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức (với vai trò là đối tượng chủ mưu hoặc là đối tượng giúp sức tích cực) và hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức (là giấy tờ xe) và sử dụng tài liệu này trong giao dịch mua bán xe là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 341 (BLHS 2015).

"Đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, với nhiều đơn tố cáo. Bởi vậy, trong quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan điều tra cần phải bóc tách, chứng minh, làm rõ từng giao dịch, từng hành vi để xác định hành vi nào là quan hệ dân sự, hành vi nào là vi phạm pháp luật đến mức có thể xử lý hình sự.

Vụ án này là bài học cho những ai lười lao động, không muốn lao động nhưng lại muốn hưởng thành quả của người khác. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ là bài học cho những ai nhẹ dạ cả tin, dễ dàng tin vào vẻ ngoài hào nhoáng và những lời lẽ có cánh của các đối tượng lừa đảo", Tiến sĩ Cường chia sẻ.
Bình Minh- Báo Gia đình & Xã hội