Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Bắt cựu trung úy công an: Chặn tham nhũng khi xử lý giao thông thế nào?

Bắt cựu trung úy công an: Chặn tham nhũng khi xử lý giao thông thế nào?

Dù nhiều trường hợp người thực thi công vụ xử lý vi phạm giao thông tiêu cực đã bị xử lý nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Chặn tham nhũng trong xử lý vi phạm giao thông thế nào?

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Châu Thanh Đại – cựu trung úy, từng công tác tại Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một để điều tra về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương đã có quyết định kỷ luật, tước danh hiệu CAND đối với ông Đại.
Bat cuu trung uy cong an: Chan tham nhung khi xu ly giao thong the nao?
Cựu trung úy Châu Thanh Đại nhận tiền của người vi phạm. (Ảnh: PLO) 
 
Khởi tố với cựu trung úy là có căn cứ
 
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cựu trung úy Đại đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người tham gia giao thông, việc xử lý hình sự là có căn cứ.
 
Theo quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt hành chính có thể là phạt tại chỗ hoặc ban hành quyết định xử phạt để người vi phạm tự mình nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước. Pháp luật không cho phép người thi hành công vụ nhận tiền của người tham gia giao thông để nộp tiền phạt "hộ" như trong tình huống vụ việc này. Do đó, khi có phản ánh của dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người tham gia giao thông.
 
Thông tin từ phía cơ quan chức năng cho thấy, một số người dân bị lập biên bản được trung úy Đại hẹn gặp tại trụ sở công an phường. Tại đây, ông này yêu cầu người vi phạm đưa tiền cho mình để ra kho bạc đóng giúp mà không có biên nhận hay hóa đơn gì. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người tham gia giao thông, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Đây cũng là hành vi tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận nên việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.
 
Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ. Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang quyết liệt hiện nay, đối với những hành vi tham nhũng như thế này cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Bat cuu trung uy cong an: Chan tham nhung khi xu ly giao thong the nao?-Hinh-2
 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
 
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài bị can đã bị khởi tố, điều tra là cựu trung úy công an này, còn có đồng phạm khác hay không. Với tất cả những người giúp sức, xúi giục cho đối tượng này thực hiện đánh phạm tội, được hưởng lợi ích vật chất đều sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
 
Theo cấp bậc quân hàm, trung úy công an là người còn rất trẻ tuổi, thậm chí mới ra trường nhưng đã có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân cho thấy sự thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu phẩm chất để đứng trong hàng ngũ công an nhân dân. Việc người này bị kỷ luật với hình thức cao nhất là tước danh hiệu CAND và khởi tố là có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật.
 
Theo Điều 355 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trường hợp phạm tội 2 lần trở lên, có tổ chức hoặc chiếm đoạt số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên, hình phạt sẽ là phạt tù từ 6 năm 13 năm; Trường hợp chiếm đoạt số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người này có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
 
Với tội danh này, hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản từ 5.000.000.000 đồng trở lên.
Theo: Kienthuc.net