Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Luật sư được kháng cáo thay thân chủ trong trường hợp nào?

Luật sư được kháng cáo thay thân chủ trong trường hợp nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư được kháng cáo thay thân chủ trong trường hợp nào?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay quy định rõ người bào chữa được quyền kháng cáo thay cho bị cáo đối với trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi và trường hợp bị cáo là người có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần. Với người đã đủ 18 tuổi, không có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần thì phải tự mình kháng cáo nếu không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm của Tòa án đã tuyên.

Quyền kháng cáo là một trong những quyền quan trọng, cơ bản của bị cáo trong vụ án hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nếu không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên về tội danh, về mức hình phạt hoặc về các vấn đề có liên quan đến vụ án thì bị cáo có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị.

Quyền kháng cáo là quyền cơ bản của bị cáo và do bị cáo tự mình thực hiện, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điều 331. Người có quyền kháng cáo

1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Trong đó người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc về thể chất mà mình bào chữa. Còn đối với người đã đủ 18 tuổi không có nhược điểm về tâm thần, không có nhược điểm về thể chất thì phải tự mình kháng cáo, người bào chữa không có quyền kháng cáo trong trường hợp này.

Pháp luật Việt Nam cũng không quy định trường hợp bị cáo bỏ trốn, bị truy nã thì người bào chữa được quyền kháng cáo thay. Quyền kháng cáo của người bào chữa được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, ngoài trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bào chữa không có quyền kháng cáo đối với các trường hợp khác, các bị cáo khác.

Trường hợp gia đình các bị cáo đang bị truy nã có căn cứ cho thấy bị cáo đang bị nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần khiến bản thân không thể tự mình kháng cáo thì có quyền cung cấp những thông tin này, các tài liệu kèm theo để chứng minh cho người bào chữa để người bào chữa căn cứ vào quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự để kháng cáo thay cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị cáo hoàn toàn bình thường, do trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật nên đã bỏ trốn và bị truy nã thì sẽ không thể thực hiện được quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Vấn đề này Tòa án sẽ xem xét tính hợp lý của đơn kháng cáo và sẽ có văn bản trả lời đối với người có đơn và lưu vào hồ sơ vụ án.
Nguồn: Báo Luật sư Việt Nam