Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Tình tiết định khung trong vụ mua bán 31 trẻ sơ sinh giá 35-60 triệu đồng/bé

Mua bán 31 trẻ sơ sinh giá 35-60 triệu đồng/bé

8 bị can đã bị khởi tố khởi tố, trong đó có cả các sản phụ bán cả con ruột của mình, ít nhất 16 cá nhân khác đang củng cố hồ sơ để tiếp tục khởi tố.

Qua điều tra, nhóm người này đặt vấn đề mua lại các bé sơ sinh và "bồi dưỡng" cho mẹ bé một khoản tiền nhất định, rồi sau đó sẽ lên mạng rao bán lại trẻ sơ sinh cho người có nhu cầu nhận con nuôi.

Tình tiết định khung trong vụ mua bán 31 trẻ sơ sinh giá 35-60 triệu đồng/bé - Ảnh 1.

Đối tượng mua bán trẻ sơ sinh bị Công an tỉnh Bình Dương bắt trên xe ôtô khi đang đi giao bán trẻ. Ảnh: Công an Bình Dương

Công an xác định nhóm người này rao bán trẻ em với giá từ 35-60 triệu đồng/bé và hồ sơ giả (giấy chứng nhân, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh...) với giá 30-40 triệu đồng/bộ nếu người mua có nhu cầu.
 

Hiện cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để khởi tố thêm ít nhất 16 cá nhân khác có liên quan. Sau khi triệt phá đường dây, các cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát hình sự bên cạnh việc triệt phá chuyên án cũng tự góp tiền để hỗ trợ chăm sóc các bé bị mua bán trong vụ án.

Đối mặt nhiều tình tiết định khung tăng nặng

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh này là rất manh động, táo tợn, coi thường pháp luật, coi trẻ em như những món hàng để kiếm lời.
 

Nên việc cơ quan điều tra phát hiện, xử lý nhóm đối tượng này là kịp thời và cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật.

Ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán người dưới 16 tuổi được xác định là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo.

Chỉ cần có hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để được nhận lợi ích vật chất (tiền hoặc tài sản khác) là hành vi cấu thành tội phạm, không phân biệt người thực hiện hành vi đó có phải là cha mẹ, người thân thích của trẻ em hay không, người thực hiện hành vi có thể phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Trường hợp phạm tội được xác định là có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với 6 người trở lên... đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, các đối tượng trong vụ án này có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, có sự bàn bạc, phân công phân nhiệm phải thực hiện thủ đoạn rất tinh vi và có sử dụng mạng Internet làm phương thức thực hiện hành vi phạm tội.

Vì thế có thể được xác định là tội phạm có tổ chức, ngoài ra các đối tượng còn có hành vi thực hiện hành vi phạm tội với 6 nạn nhân trở lên, đây cũng là căn cứ để có thể áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với đối tượng phạm.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, hành vi mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.

Bởi các đối tượng có thể tước bỏ cuộc sống, tương lai của những đứa trẻ vô tội, đẩy đứa những đứa trẻ ngây thơ vào những tình huống nguy hiểm, có thể trở thành nạn nhân bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, bị bóc lột tình dục...

Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi còn làm gia tăng nguy cơ mất ổn định xã hội, và có nguy cơ phát sinh nhiều tội phạm khác, kể cả tội phạm xuyên quốc gia...

"Trong vụ án nêu trên, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với nhiều người, tội phạm có tổ chức, đây là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nên hình phạt cao nhất mà các đối tượng có thể đối mặt có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại khoản 3, Điều 151 Bộ luật hình sự (Tội mua bán người dưới 16 tuổi)" – ông Cường nêu quan điểm.
theo báo Dân Việt