Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Trách nhiệm hình sự vụ công ty tài chính nước ngoài cắt ghép hình ảnh, vu khống để... đòi nợ

Trách nhiệm hình sự vụ công ty tài chính nước ngoài cắt ghép hình ảnh, vu khống để... đòi nợ
Khi các con nợ không trả tiền, nhân viên công ty gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy. Với hành vi này, các đối tượng có thể bị xử lý thế nào?

Công ty tài chính cắt ghép hình ảnh, vu khống để... đòi nợ

Công an TP.HCM cho biết, sau khi kiểm tra, cơ quan công an xác định Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở quận 1, Việt Nam do L.J. (quốc tịch Hàn Quốc) làm tổng giám đốc.

Công ty này có chức năng cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.
 

Trách nhiệm hình sự vụ công ty tài chính nước ngoài cắt ghép hình ảnh, vu khống để... đòi nợ - Ảnh 1.

Công an khám xét văn phòng Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam tại quận 4. Ảnh: Công an cung cấp

Từ ngày 1/8/2016 đến nay, công ty thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3 (số 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4) để hoạt động thu hồi nợ.

Khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.
 

Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Đối với nhóm nợ từ 1 ngày - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng.

Nhóm nợ từ 90 ngày - 179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm nhưng sẽ gọi điện, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.

Nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B), nhân viên gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay trả nợ.

Qua quá trình đấu tranh, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người.

Đối mặt chế tài nghiêm khắc

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hình thức đòi nợ theo kiểu vu khống, làm nhục người khác, đưa tin sai sự thật nhằm đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay nợ là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, hoạt động cho vay tài sản có thể là quan hệ dân sự hoặc quan hệ kinh tế. Nếu là doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh cho vay thì phải có sự cho phép, cấp phép của cơ quan chức năng về hoạt động tín dụng, tài chính và quá trình hoạt động sẽ có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước bằng pháp luật liên quan đến lãi suất, biện pháp đảm bảo và phương thức đòi nợ.

Về nguyên tắc, trong các hoạt động cho vay tài sản, hoạt động tín dụng, việc bên đi vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra đối với bất cứ tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, công ty tài chính nào.

Ông Cường cho hay, pháp luật cho phép bên cho vay có quyền tự mình đòi nợ hoặc khởi kiện để được tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản do bên đi vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hoạt động đòi nợ bằng hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của con nợ. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người nợ tiền và những người thân của họ là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy vào hành vi cụ thể, tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hanh vi như: vu khống, làm nhục người khác, đưa tin trái phép trên mạng Internet, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, cưỡng đoạt tài sản...

Vị chuyên gia cho rằng, hành vi đưa tin sai sự thật, đưa ra những thông tin biết rõ là không có thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác mà bị nạn dân tố cáo, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.

"Chỉ vì muốn đòi nợ mà ghép ảnh nhạy cảm của nạn nhân hoặc đưa ra những thông tin vu khống nạn nhân khiến nạn nhân sợ hải phải trả nợ, đây là hành vi vu khống với động cơ đê hèn nên các đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 3 đến 7 năm" – ông Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đối tượng nào trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội là đưa tin sai sự thật. Đồng thời cũng làm rõ đối tượng nào là đồng phạm với vai trò là chủ mưu, giúp sức, xúi giục để cùng xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng sẽ làm rõ thủ đoạn đòi nợ kiểu này đã khiến nạn nhân nào phải trả tiền hay chưa. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, các đối tượng còn có thể bị xử lý về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự với mức chế tài nghiêm khắc.
Q.Trung-Báo Dân Việt