Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Vì sao cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu làm đơn phản ánh tiêu cực nhưng vẫn bị khởi tố?

Vì sao cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu làm đơn phản ánh tiêu cực nhưng vẫn bị khởi tố?
Trong vụ án tham ô xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, cựu Phó tư lệnh Phạm Kim Hậu có đơn kèm 2 file ghi âm phản ánh những tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số thủ trưởng nhưng vẫn bị khởi tố. Vậy quy định về việc này thế nào?

Cấp dưới tố cáo cựu Tư lệnh Cảnh sát biển trong vụ tham ô 50 tỉ đồng

VKS Quân sự Trung ương vừa ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng.

Trong số này có các ông Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh), Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh).

Vì sao cựu Thiếu tướng Phan Kim Hậu làm đơn phản ánh tiêu cực nhưng vẫn bị khởi tố? - Ảnh 1.

Cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng Cảnh sát biển. Ảnh: Cảnh sát biển.

Theo cáo buộc, năm 2019, ông Sơn khởi xướng rồi bàn bạc, thống nhất với 4 thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển về việc "rút ruột" từ ngân sách. 5 bị can đã tham ô tổng cộng 50 tỉ đồng, chia đều mỗi người 10 tỉ đồng.

Cáo trạng nêu rõ, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh về tiêu cực của bản thân và một số thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.
 

Từ đó, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xác minh. Đến năm 2022, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án, khởi tố các bị can.

Chỉ là tình tiết giảm nhẹ, vì sao?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu đã làm đơn phản ánh về tiêu cực của bản thân và một số thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển nhưng vẫn bị khởi tố?
 

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cấp dưới tố cáo cấp trên tham ô tài sản nhưng bản thân mình cũng đã tham ô tài sản là chuyện ít khi xảy ra trong thực tế.

Vị chuyên gia phân tích, theo quy định pháp luật, người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác có thể được miễn trách nhiệm hình sự, còn người nhận hối lộ, tham ô tài sản và các tội danh khác dù có tự thú cũng vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. VKS Quân sự Trung ương truy tố 7 bị can với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Ngoài cáo buộc cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn giữ vai trò chủ mưu, khởi xướng, VKS còn làm rõ người đã có đơn tố cáo và bằng chứng liên quan hành vi của các cá nhân.

Theo cáo trạng, năm 2019, sau khi có quyết nghị phân bổ 150 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển để mua sắm trang bị vật tư, ông Nguyễn Văn Sơn trao đổi, yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Văn Hưng rút 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ tư lệnh sử dụng.

Trao đổi việc "rút ruột" 50 tỉ đồng với nhóm bị can gồm cựu trung tướng Hoàng Văn Đồng (cựu Chính ủy Cảnh sát biển) và 3 cựu Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (cựu Phó chính ủy) cùng 2 cựu Phó tư lệnh Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng, các cá nhân này đều đồng ý.

Như vậy, theo ông Cường, với nội dung kết luận điều tra và bản cáo trạng cho thấy bị can Phạm Kim Hậu đã thực hiện hành vi tham ô tài sản với vai trò đồng phạm.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, người đưa hối lộ bị ép buộc phải đưa, sau đó chủ động khai báo trước khi bị phát giác sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại tài sản đưa hối lộ.

Đối với người tuy không bị ép buộc đưa hối lộ nhưng chủ động khai báo, tố cáo hành vi nhận hối lộ, có thể được miễn trách nhiệm hình sự và có thể được trả lại một phần tài sản đưa hối lộ.

Còn đối với người nhận hối lộ, người thực hiện hành vi tham ô tài sản và các tội phạm về chức vụ khác thì hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm nhận hối lộ tài sản từ 2 triệu đồng trở lên.

Vì thế, trong mọi trường hợp người nhận hối lộ, tham ô tài sản và các tội danh khác đã thực hiện hành vi phạm tội mà chủ động khai báo, tự thú, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra, đây chỉ là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự chứ không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự.

Từ những phân tích trên, ông Cường nhấn mạnh, bị can Phạm Kim Hậu vẫn bị xem xét xử lý hình sự và có thể được xem xét áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình giải quyết vụ án.
Nguồn: Báo Dân Việt