Trang chủ » Luật sư & Cộng đồng » Vụ tài xế xe ôm công nghệ bị đâm thủng tim: Dấu hiệu vi phạm 2 tội danh

Vụ tài xế xe ôm công nghệ bị đâm thủng tim: Dấu hiệu vi phạm 2 tội danh
Chuyên gia pháp lý cho rằng, trong vụ tài xế ôm công nghệ bị cướp đâm thủng tim, phổi, theo thông tin ban đầu, đã có dấu hiệu vi phạm của hai tội danh.

Bắt tên cướp đâm trọng thương tài xế xe ôm công nghệ

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết đang tạm giữ Phan Hữu Nghĩa (33 tuổi, quê Vĩnh Long) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Vụ tài xế xe ôm công nghệ bị đâm thủng tim: Dấu hiệu vi phạm 2 tội danh - Ảnh 1.

Khu vực nơi xảy ra sự việc. Ảnh: PLO

Theo điều tra, rạng sáng 26/11, tài xế xe ôm 47 tuổi đứng đón khách tại giao lộ Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn.

Nghĩa tiếp cận, đề nghị chở về xã Bà Điểm cách đó vài km. Đến khu vực vắng người, Nghĩa kêu người xe ôm dừng lại rồi bất ngờ rút dao khống chế, giật bóp tiền.

Nạn nhân chống cự, bị tên cướp đâm liên tiếp nhiều nhát, gục tại chỗ. Ông được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với 6 vết đâm ở ngực và sau lưng gây thủng tim, phổi.

TS.BS Nguyễn Duy Tân, Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, cùng ê kíp đã nỗ lực cấp cứu nạn nhân trong nhiều giờ, hiện đã qua nguy kịch.

Công an huyện Hóc Môn ngay sau đó tung nhiều trinh sát truy lùng tên cướp. Mới đây, họ bắt được Nghĩa khi anh ta đang trốn ở tỉnh Vĩnh Long.

Dấu hiệu của hai tội danh

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, hành vi của đối tượng không chỉ có dấu hiệu xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân nên có thể cơ quan điều tra sẽ sớm khởi tố về hai tội danh là giết người và cướp tài sản mặc dù nạn nhân không tử vong.
 

Theo ông Cường, hành vi cướp tài sản là hành vi nguy hiểm nhất trong các hành vi thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản mà pháp luật quy định. Trước đây tội danh này có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên khi sửa đổi bộ luật hình sự, hình phạt tử hình đã được bãi bỏ, đến nay hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.

Hành vi cướp tài sản có thể thể hiện ở nhiều hành vi khác nhau như sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác. Trên thực tế, hành vi cướp tài sản diễn ra nhiều và nguy hiểm nhất là hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản.

Hành vi dùng vũ lực với mục đích để chiếm đoạt tài sản liền một lúc xâm phạm đến hai khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ đó là tính mạng, sức khỏe của công dân và quyền sở hữu tài sản của công dân.

Vị chuyên gia cho biết, hậu quả của hành vi sử dụng vũ lực để cướp tài sản có thể dẫn đến nạn nhân bị thương tích hoặc tử vong, đối tượng nhận thức được hành vi này nhưng vì tham lam, muốn chiếm đoạt thành quả lao động của người khác nên vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thương tích, thậm chí thiệt mạng của nạn nhân xảy ra.

Vì thế, trong vụ việc này, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản, tuy không mong muốn sát hại nạn nhân nhưng đã gây ra thương tích của nạn nhân thì sẽ phải chịu mức phạt rất nghiêm khắc.

"Ngoài ra, trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, ngoài tội cướp tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể xử lý đối tượng về tội giết người" – vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Báo Dân Việt